QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

LỊCH SỬ 30 NĂM XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

HIỆP HỘI XÂY DỰNG & VẬT LIỆU XÂY DỰNG TP. HCM (1991-2021)

I. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ NHẤT NHIỆM KỲ I (1991 – 1994)

Ngày 18/05/1991 tại Hội trường Tổng Công ty XD Số 1 (Bộ XD) số 51 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.1, TP.HCM, Đại hội thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM (Saca) với 25 thành viên sáng lập đã bầu ra Hội đồng quản trị Hiệp hội gồm 12 uỷ viên và thường trực Hội đồng quản trị gồm có 04 uỷ viên:

Ông Lê Văn Năm – GĐ Sở XD TP.HCM làm Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó GĐ Sở XD TP.HCM làm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội.
Ông Phạm Ngọc Côn – GĐ Chi Nhánh Ngân Hàng ĐT & PT TP.HCM làm Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chỉ huy trưởng công trường 56 (Bộ Quốc Phòng) làm Tổng Thư Ký Hiệp hội.

Trong nhiệm kỳ này các DN hội viên chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.

B. Điều lệ của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM

Điều lệ của Hiệp hội đã được Đại hội thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM thông qua ngày 18/05/1991 và được UBND TP.HCM phê duyệt ban hành kèm theo quyết định số 202/QĐ-UB ngày 26/06/1991.

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM là một hội đoàn tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng và địa ốc bao gồm các đơn vị tư vấn, giám sát, khảo sát, thiết kế, thi công, lắp máy, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư địa ốc … trú đóng trên địa bàn TP.HCM.

Tên gọi đối ngoại của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM là Saigon Construction & Building Material Association (viết tắt là SACA).

C. Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM

Tư tưởng chủ đạo ban đầu của những nhà hoạch định đường lối hoạt động của Hiệp hội là từng bước đưa Hiệp hội trở thành một tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực xây dựng và địa ốc, chính vì vậy ban lãnh đạo Hiệp hội lúc đó gọi là Hội đồng quản trị Hiệp hội (chứ không gọi Ban chấp hành Hiệp hội).

Để thực hiện mục tiêu trên Hội đồng quản trị đã chủ trương thành lập một trung tâm đầu mối dưới hình thức một công ty cổ phần. Nhưng vì Hiệp hội không giải quyết được vấn đề nguồn vốn và cơ chế nên bước đầu phải thành lập một công ty TNHH lấy tên là Công ty XD Saca với một số vốn rất hạn hẹp gồm nhiều thành phần đóng góp (văn phòng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM , Công đoàn Sở XD và một số cá nhân). Công ty này đã được UBND TP.HCM cấp giấy phép hoạt động số 1213 ngày 27/10/1993. Sau một thời gian hoạt động những cá nhân góp vốn đã chuyển nhượng hết phần vốn cho văn phòng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM và Công đoàn Sở XD.

II. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 2 NHIỆM KỲ II (1994 – 1998)

A. Đại hội nhiệm kỳ II họp ngày 25/06/1994 có 45 đơn vị hội viên tham dự đã bầu ra 19 ủy viên Hội đồng quản trị và Ban thường trực Hiệp hội gồm 10 ủy viên có tên dưới đây :

Ông Vũ Hùng Việt – GĐ Sở XD làm Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó GĐ Sở XD TP.HCM làm Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Phạm Ngọc Côn – GĐ Chi Nhánh Ngân Hàng ĐT & PT TP.HCM làm Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội.

Ông Lê Văn Năm – Ủy viên thường trực

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên thường trực

Ông Nguyễn Tấn Mẫn – Ủy viên thường trực

Ông Lương Viên – Ủy viên thường trực

Ông Nguyễn Đức San – Ủy viên thường trực

Ông Lữ Thế Liêm – Ủy viên thường trực

B.Thay đổi nhân sự và mở rộng phạm vi hoạt động của Hiệp hội

Trong nhiệm kỳ II đã phân công một số ủy viên với chức danh và nhiệm vụ cụ thể nhưng nhiều ủy viên (phần lớn là kiêm nhiệm vì còn đang giữ những chức vụ rất quan trọng ở đơn vị mình) nên ít tham gia hoặc không có điều kiện tham gia. Và tình hình này kéo dài suốt quá trình 20 năm hoạt động của Hiệp hội. Riêng ở nhiệm kỳ II thì có sự thay đổi lớn về nhân sự như sau : Từ tháng

09/1996 Chủ tịch Hiệp hội là Ông Vũ Hùng Việt được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM nên chức Chủ tịch Hiệp hội coi như để trống. Từ tháng 07/1995 ông Nguyễn Thanh Phong – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đi nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Công ty dịch vụ phát triển đô thị nên đến ngày 01/01/1997 ông Nguyễn Thanh Phong đã chuyển giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Đăng sơn – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội.

Nhằm phát huy vai trò tư vấn và thông tin Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Tạp chí Người xây dựng và được sự ủy nhiệm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dưng TP.HCM đã đảm nhận thêm nhiệm vụ làm văn phòng phía Nam của Tạp chí Người Xây Dựng và Ông Nguyễn Đăng Sơn được bổ nhiệm là Phó Tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn phía Nam của Tạp chí Người Xây Dựng.

Trong nhiệm kỳ này UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Hiệp hội chủ trì, huy động các thành viên tham gia lập dự án tiền khả thi Đường Bắc Nam (đoạn 2). Trong dự án này có 07 công ty hội viên tham gia dưới sự điều hành của Công ty Xây dựng Saca. Dự án hoàn thành nhưng kết quả không được như mong muốn.

III. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 3 NHIỆM KỲ III (1998 – 2002)

Ngày 10/06/1998 Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội đã được tổ chức. Có 56 đơn vị hội viên tham dự. Đại hội đã bầu ra 17 ủy viên Hội đồng quản trị và Hội đồng quản trị đã bầu 08 người vào Ban thường vụ gồm :

Ông Nguyễn Đăng Sơn – Chủ tịch

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch thứ nhất

Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch

Ông Nguyễn Đức San – Phó Chủ tịch

Ông Nguyễn Xuân Bảng – ủy viên

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – ủy viên

Ông Lương Viên – ủy viên kiểm soát

Ông Nguyễn Khoa Di – Tổng thư ký

Trong nhiệm kỳ này, năm 1997 Hiệp hội thành lập Trung tâm quản lý và quy hoạch đô thị (UMPC) do Ông Nguyễn Đăng Sơn – Chủ tịch Hiệp hội làm giàm đốc và văn phòng Hiệp hội nhận nhiệm vụ làm văn phòng phía Nam của Ban điều hành mạng lưới các chuyên gia đô thị VN (URBNET – VN). Hai tổ chức này làm nhiệm vụ phổ biến các thông tin về quản lý đô thị do chương trình quản lý đô thị Châu Á cung cấp. Đến năm 2001 URBNET – VN chuyển thành Viện Nghiên Cứu Đô Thị trực thuộc Tổng hội XD VN và UMPC cũng nhập vào đó và trở thành văn phòng phía Nam của Viện nghiên cứu đô thị VN.

Trong nhiệm kỳ này trụ sở làm việc của Hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn, phải chuyển từ 60 Trương Định về 101 Võ Thị Sáu. Sau 03 tháng lại chuyển về 130C Phạm Văn Hai, Quận Tân Bình. Việc chuyển địa điểm liên tục đã làm gián đoạn thông tin và gây khó khăn đến các hoạt động của Hiệp hội với các đối tác trong và ngoài nước. Để khắc phục tình trạng này, Thường trực Hiệp hội đã cố gắng tìm kiếm khả năng đưa văn phòng về trung tâm Thành phố. Và Công ty VLXD Hạ Long đã giúp đỡ tạo điều kiện cho Hiệp hội có 01 văn phòng liên lạc ở tại trụ sở của Công ty VLXD Hạ Long ở số 07 Nam Quốc Cang, Q.1, và Hiệp hội đã thành lập văn phòng liên lạc II ở địa điểm này, văn phòng II do Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch Hiệp hội phụ trách.
Nhằm tạo cơ hội họp mặt, gặp gỡ để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong nghề XD Hiệp hội đã tổ chức ra Câu lạc bộ XD và địa ốc, Văn phòng Câu lạc bộ đặt tại số 07 Nam Quốc Cang, Q.1 do Ông Vũ Quốc Lộc phụ trách.

trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Hiệp hội là Ông Nguyễn Đăng Sơn được mời tham gia dự án cải cách hành chính thành phố nên ít điều kiện hoạt động Hiệp hội do vậy đã chuyển cho Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch giữ nhiệm vụ thường trực để điều hành mọi công việc của Hiệp hội.

IV. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 4 NHIỆM KỲ IV (2002 – 2006)

Đại hội nhiệm kỳ IV họp ngày 14/06/2002 có 60 đơn vị hội viên tham dự đã bầu ra 21 ủy viên Hội đồng quản trị và bầu Ban thường trực gồm :

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch

Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch thường trực

Ông Trần Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch

Ông Lê Quang Tấn – Ủy viên thường trực

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – Tổng thư ký

Sau 01 năm 03 tháng hoạt động có 02 ủy viên chuyển công tác khác (không có liên quan gì đến XD & VLXD) và quá bận công việc tại đơn vị mình nên không có điều kiện tham gia hoạt động Hiệp hội nên xin từ nhiệm và rút chân khỏi Hiệp hội là Ông Trần Ngọc Phượng và Ông Nguyễn Đức San.

Sau đó ít lâu Ông Nguyễn Thanh Phong do bận công tác chuyên môn cũng xin rút lui vị trí Chủ tịch Hiệp hội.

Ngày 15/09/2003 Hội đồng quản trị đã họp toàn thể để điều chỉnh nhân sự. Hội nghị đã phân công lại như sau :

Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch

Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch thường trực

Ông Phạm Lê Quân – Phó Chủ tịch

Ông Hoàng Tiến Dũng – Ủy viên thường trực

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Ủy viên thường trực

Ông Lê Quang Tấn – Ủy viên thường trực

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký

Sau khi Đại hội được sự giúp đỡ tận tình của Ông Hoàng Tiến Dũng – Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị, trụ sở của Hiệp hội đã được chuyển về số 07 Nam Quốc Cang, Q.1, địa chỉ này là văn phòng của Công ty VLXD Hạ Long mà Ông Hoàng Tiến Dũng làm giám đốc. Lúc này Ông Vũ Quốc Lộc là Chánh văn phòng Hiệp hội.

Nhưng trụ sở Hiệp hội ở địa chỉ này cũng chỉ kéo dài được 01 năm rưỡi. Lúc này Công ty VLXD Hạ Long cũng bị đòi trụ sở (thuê) nên phải dời trụ sở về Thủ Đức. Văn phòng Hiệp hội không thể theo Công ty VLXD Hạ Long về Thủ Đức. Rất may lúc này Công ty Sài Gòn Build ra đời, thuê trụ sở ở số 20 Phùng Khắc Khoan, Q.1 nên văn phòng Hiệp hội chuyển về ở nhờ trụ sở của Công ty Sài Gòn Build. Công ty Sài Gòn Build là một công ty do văn phòng Hiệp hội đứng làm trung tâm kêu gọi các hội viên góp vốn để xây dựng Khu công nghiệp ở Nhơn Trạch trên cơ sở dự án 90ha của Công ty xây dựng công nghiệp Descon. Công ty Sài Gòn Build do Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hiệp hội làm Tổng giám đốc.

V. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 5 NHIỆM KỲ V (2006 – 2011)

Đại hội nhiệm kỳ V được tổ chức vào ngày 26/08/2006 có 65 đơn vị hội viên tham dự và đã bầu ra 18 ủy viên Ban chấp hành trong đó có 09 ủy viên thường trực gồm :

Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký

Ông Phạm Ngọc Côn – Phó Chủ tịch

Ông Đặng Trung Thành – Phó Chủ tịch

Ông Nguyễn Xuân Bảng – Ủy viên thường trực

Ông Đặng Nhứt – Ủy viên thường trực

Ông Vũ Xuân Tường – Ủy viên thường trực

Ông Phạm Gia Du – Ủy viên thường trực

Ông Trần Dương Huyền – Ủy viên thường trực

Đại hội kỳ này đã thay đổi lại điều lệ căn cứ dựa trên dự thảo điều lệ mẫu của các Hội nghề nghiệp của Bộ Nội Vụ dự thảo, trong đó từ bỏ hẳn ý định biến Hiệp hội dần dần trở thành 01 tập đoàn kinh tế của Điều lệ cũ. Do đó Hội đồng quản trị đã được đổi thành Ban chấp hành. Về tên ngoại giao Saca Group chỉ còn là Saca. Chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội được chỉnh sửa cho đúng bản chất của Hội nghề nghiệp là:

Tư vấn, phản biện, giám định xã hội về mặt xây dựng, tham gia ý kiến về việc xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như các kế hoạch dự án có liên quan đến ngành xây dựng, nghiên cứu khoa học, lập các dự án ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chính sách pháp luật cho hội viên.

Làm đầu mối trong quan hệ đối ngoại và đối nội trong các chức năng có liên quan đến nghề nghiệp của hội viên.

Hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong nước và ngoài nước.

Đến cuối nhiệm kỳ V (2006 – 2011) Hiệp hội đã tập hợp đuợc 74 hội viên phân thành 09 ban bao gồm các Tổng Công ty, Công ty và cá nhân.

VI. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 6 NHIỆM KỲ VI (2011 – 2015)

Đại hội nhiệm kỳ VI được tổ chức vào 8h00 sáng ngày 23 tháng 12 năm 2011, có 70 đơn vị hội viên tham dự và đã bầu ra 19 ủy viên Ban chấp hành trong đó có 07 ủy viên thường trực và 01 ủy viên kiểm soát :

Ông Trương Phú Cường – Chủ tịch

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – Phó chủ tịch TT kiêm Tổng thư ký

Ông Phạm Ngọc Côn – Phó chủ tịch

Ông Phan Đức Nhạn – Phó chủ tịch

Ông Hoàng Tiến Dũng – Phó chủ tịch

Ông Đỗ Xuân Phan – Phó chủ tịch

Ông Đặng Nhứt – Phó chủ tịch

Trưởng Ban kiểm soát: Bà Nguyễn Thị sang. Ông Nguyễn Tự Khánh

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI (2011 – 2015)

Ngày 23 tháng 12 năm 2011, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp Hội Xây Dựng và Vật Liệu Xây Dựng đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VI (2011 – 2015) trong không khí cả nước chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI, với xu thế phát triển và hội nhập, đường lối chiến lược của Nghị quyết Đại hội sẽ có những tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hội viên ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Thành phố về dự Đại hội. Trong không khí thân thiện, hợp tác toàn thể Đại biểu đã tích cực thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện sau đây của Đại hội:

Hiệp hội vẫn hoạt động theo điều lệ đã được sửa đổi của nhiệm kỳ V và dựa theo các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác Hội.
2. Báo cáo tổng kết hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ qua và báo cáo phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ VI (2011 – 2015).
3. Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ VI gồm 16 vị đã được bầu cử đúng nguyên tắc.
Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ tới là:

Nâng cao trách nhiệm và vai trò điều hành của BCH Hiệp hội.
2. Mở rộng công tác hội viên. Các hội viên phải tích cực đóng góp xây dựng Hiệp hội vững mạnh.
3. Kiện toàn văn phòng Hiệp hội để nâng cao năng lực, điều hòa phối hợp hoạt động của Hiệp hội. Hiệp hội cố gắng tạo sự gắn kết và phát huy lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động nghề nghiệp, phù hợp xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế.
4. Tăng cường hợp tác, liên kết phát huy tiềm năng của Doanh nghiệp hội viên trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho các hội viên.
5. Tăng cường khả năng hội nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp hội viên.
Đại hội kêu gọi toàn thể hội viên hãy nỗ lực hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố và Đất nước.

HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ VI

Nhiệm kỳ 2011 – 2015 của Hiệp Hội là giai đoạn hết sức quan trọng, nhân dân cả nước ta ra sức thi đua thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân ta. TPHCM đã xây dựng “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”.
Căn cứ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 2011 – 2015 là 12%, trong đó tốc độ gia tăng công nghiệp xây dựng là 11%, trong giai đoạn này thành phố phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân đầu người là 17m2/ người, tổng diện tích sàn nhà ở cần xây dựng thêm khoảng 39 triệu m2, bình quân cần phát triển 7,8 triệu m2/ năm.

Quán triệt các chương trình mục tiêu trên của Đảng bộ Chính quyền thành phố đặc biệt là 6 chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố lần thứ IX. Hiệp Hội cần thấy trách nhiệm đóng góp nhiều hơn vào nhiệm vụ chung của thành phố, xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ VI này.

CÔNG TÁC TỔ CHỨC:

Phát triển và đổi mới phương thức họat động, nâng cao chất lượng của bộ máy tổ chức Hiệp Hội
2. Hoàn thiện nội dung qui chế làm việc, gắn trách nhiệm với quyền lợi của hội viên. Tìm nhiều giải pháp đáp ứng quyền lợi và nguyện vọng của hội viên.
3. Tổ chức phân công công tác hợp lý cho các thành viên trong BCH và ban thường vụ để bộ máy hoạt động đồng bộ và hiệu quả.

Tăng cường trách nhiệm các trưởng ban chuyên môn

Ban hành qui chế hoạt động và trách nhiệm tài chính của Công ty TNHH Tư Vấn Xây Dựng SACA.

Tổ chức hội đồng đánh giá năng lực doanh nghiệp, nhằm xây dựng đội ngũ doanh nghiệp xây dựng có uy tín nghề nghiệp để quảng bá ra thị trường XD – VLXD.

Ổn định địa điểm văn phòng Hiệp Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của văn phòng và giao tiếp hội viên.

Củng cố nâng cao chất lượng Website của Hiệp Hội làm cầu nối, là bản tin bổ ích cho toàn thể hội viên.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phát triển hội viên, coi đây là công tác hết sức quan trọng. Phấn đấu mỗi năm kết nạp thêm 8 hội viên để cuối nhiệm kỳ VI Hiệp Hội có khoảng 90 hội viên là doanh nghiệp và 10 chuyên gia trong lĩnh vực XD – VLXD.
10. Hằng năm cần xây dựng phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh và xây dựng Hiệp Hội, đóng góp công tác từ thiện, nâng cao chất lượng năng suất lao động giảm giá thành công trình. Có tổng kết khen thưởng để động viên phong trào.

CÔNG TÁC HỘI VIÊN:

A. Tăng cường vai trò của Hiệp Hội trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các hội viên bằng các giải pháp:

1. Mở rộng thông tin tuyên truyền quảng bá tiếp thị doanh nghiệp, thường xuyên đưa thông tin Hiệp Hội lên trang web của Hiệp Hội. Có chương trình để các doanh nghiệp tự giới thiệu trong các hội nghị, hội thảo của Hiệp Hội hoặc mời tham gia trong các buổi tiếp xúc với các đoàn doanh nhân nước ngòai.

2. Hiệp Hội mạnh dạn tổ chức cho các hội viên gặp gỡ các cơ quan nhà nước để giải quyết các khó khăn về thủ tục hành chính trong hồ sơ dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng, về thuế, về hỗ trợ tài chính và để được tiếp xúc các dự án chương trình đầu tư xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước.
3. Củng cố nâng cao chất lương nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng: phối hợp với Hiệp Hội bạn mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức tay nghề cho từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý dự án, cán bộ kỷ thuật, tổ đội xây dựng; Với các nội dung: kinh nghiệm tổ chức quản lý công trình, quản lý kinh tế xây dựng ( hợp đồng kinh tế, giá cả xây dựng, giải phóng mặt bằng, các biện pháp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm hạ giá thành công trình ).

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết giữa các hội viên:

1. Tiếp tục duy trì buổi họp mặt đầu xuân truyền thống của Hiệp Hội.
2. Mỗi tháng tổ chức thăm một doanh nghiệp hội viên, mỗi quí tổ chức đoàn các doanh nghiệp đi thăm các doanh nghiệp bạn để rút kinh nghiệm và tăng cường mối quan hệ hợp tác nghề nghiệp.
3. Cố gắng chọn các dự án phù hợp để huy động các hội viên cùng tham gia đầu tư – xây dựng và kinh doanh, nhằm phát huy mọi tiềm năng của hội viên và tạo sự gắn kết giữa các hội viên trong Hiệp Hội.

VII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 7 NHIỆM KỲ VII (2016 – 2020)

Sáng 8/12/2016, Hiệp hội XD & VLXD TP.HCM đã long trọng tổ chức Đại Hội Đại Biểu Nhiệm Kỳ VII (2016-2020) tại Hội trường lầu 2, Tòa nhà 224 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh với gần 100 đơn vị hội viên tham dự. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ VII gồm 35 vị. Ông Trương Phú Cường vinh dự tái đắc cử Chủ tịch Hiệp Hội Xây Dựng & Vật Liệu Xây Dựng Tp.HCM nhiệm kỳ VII. Trên cương vị mới Ông kêu gọi, động viên toàn thể hội viên nỗ lực hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cùng nhau phát triển Hiệp hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố và đất nước.

Gần 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hội viên ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Thành phố về dự Đại hội. Trong không khí thân thiện, hợp tác toàn thể đại biểu đã tích cực thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện sau đây của Đại hội:

1/ Hiệp hội sẽ hoạt động theo Điều lệ sửa đổi của Hiệp hội và tuân thủ các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác Hội.

2/ Báo cáo tổng kết hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ VI và báo cáo phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ VII (2016 – 2020).

3/ Danh sách Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ VII gồm 35 vị đã được bầu cử đúng nguyên tắc.

Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới là:

1/ Xây dựng quy chế làm việc của Ban chấp hành nhằm nâng cao trách nhiệm và vai trò điều hành của BCH Hiệp hội. Tăng cường trách nhiệm các đ/c trong ban thường vụ.

2/ Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, chú trọng phát triển hội viên là các công ty mạnh trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng đồng thời tăng cường hội viên mới là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3/ Tích cực tạo uy tín của Hiệp hội thông qua các đóng góp có hiệu quả trong công tác phục vụ hội viên. Tăng cường hợp tác, liên kết phát huy tiềm năng của Doanh nghiệp hội viên.

Đại hội kêu gọi toàn thể hội viên hãy nỗ lực hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố và Đất nước.

VIII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ 8 NHIỆM KỲ VIII (2021 – 2025)

Ngày 25 tháng 12 năm 2020, tại Hội trường Queen Plaza Kỳ Hoà – Số 16A Lê Hồng Phong , P.12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp Hội Xây Dựng và Vật Liệu Xây Dựng TP. HCM đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VIII (2021 – 2025) để Bầu ra Ban Chấp hành, Ban thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ban Kiểm tra trong không khí cả nước chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng với hơn 200 khách mời và đại diện cho các doanh nghiệp hội viên ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Thành phố về dự Đại hội.

Đại hội đã thống nhất bầu Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Hòa Bình giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội SACA nhiệm kỳ VIII (2021 – 2025); Ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch Công ty CP Secoin được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội SACA.

Các phó Chủ tịch phụ trách các mảng liên quan gồm: Bà Nguyễn Ngọc Thanh – đại diện Sở Xây Dựng TP.HCM – Phụ trách mảng pháp lý – chính sách về quan hệ với Thành phố và các Sở Ban Ngành; Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường – Phụ trách mảng hoạt động liên quan đến bất động sản; Ông Nguyễn Đình Hùng – Chủ tịch Công ty CP Tổ chức triển lãm Quốc tế xây dựng Vietbuild – Phụ trách các công tác Xúc tiến thương mại Hội viên; Ông Nguyễn Công Chính – Tổng Giám đốc Công ty CP SADO Germany Window – Phụ trách mảng đối ngoại và xúc tiến xuất khẩu; Ông Phạm Tuấn Khanh – Giám đốc Công ty TVTK – ĐT – XD Hưng Quốc (HiQ design) – phụ trách mảng Kiến trúc và Tư vấn thiết kế.

Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới là:

1/ Liên kết hợp tác giữa các Hội viên SACA:

Tổ chức định kỳ 3 tháng/1 lần mô hình Ngày hội kinh doanh (SBD): dự kiến năm 2021, chương trình Ngày hội kinh doanh SACA (SBD) sẽ kết hợp tổ chức với các trường đại học.

Tổ chức định kỳ 1 tháng/1 lần mô hình Cafe SACA tháng.

Tổ chức định kỳ 2 tháng/ 1 lần đi thăm các hội viên và các doanh nghiệp, tổ chức tiềm năng.

Triển khai quy chế hợp tác kinh doanh giữa các Hội viên. Về việc phát triển kinh phí cho Hiệp hội theo hướng đẩy mạnh việc thu phí từ các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các hội viên và kêu gọi tài trợ.

Gia tăng các hoạt động có thể đem lại các nguồn thu tài chính cho Hiệp hội

Phát triển các ban phục vụ hội viên.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hội viên mới theo hướng: doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

Tổ chức các buổi tiệc giao lưu, gắn kết giữa các hội viên thông qua các chương như: chương trình tân niên đầu năm, tất niên cuối năm, kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội SACA, …

2/ Tổ chức các sự kiện:

Phối hợp với Hội VLXD Việt Nam, Ban tổ chức Vietbuild để tổ chức các hội thảo tại 3 miền.

Phối hợp với các Hội, trường đại học, các cơ quan địa phương để tổ chức Hội thảo về công nghệ mới trong xây dựng và VLXD.

Phối hợp đơn vị tổ chức Hội chợ triễn lãm Vietbuild, tạo ra các khối gian hàng SACA riêng tại hội chợ Vietbuild.

Tham gia các Hội thảo chuyên đề của Sở Xây dựng, các Trường Đại học,…

Tổ chức các hoạt động hội thảo tại các trường đại học nhằm để các hội viên giới thiệu về Sản phẩm– Công nghệ- Kỹ thuật – Dịch vụ cho giảng viên và sinh viên.

Tổ chức tham quan các hội chợ chuyên ngành xây dựng và VLXD tại nước ngoài.

Tham gia vào các dự án lớn của Tập đoàn.

Tổ chức đến thăm các Doanh nghiệp lớn, tổ chức những chương trình đi thăm các Tỉnh thành trong cả nước để kết nối kinh doanh.

3/ Hợp tác với các Tổ chức trong và ngoài nước:

Triển khai chương trình cụ thể trong khuôn khổ Hợp đồng hợp tác đã ký với Hội VLXD Việt Nam và Hội Công nghệ cao Tp. HCM.

Tổ chức hợp tác toàn diện với Hội VLXD Việt Nam và Chi Hội Miền Trung Tây Nguyên.

Xây dựng chương trình hợp tác với các Hội, Hiệp hội của Thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Tham gia các sự kiện lớn của thành phố trên cơ sở kết hợp với các sự kiện UBND thành phố, của các Sở ban ngành có liên quan rồi các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp.

Tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách, chuyên môn nghiệp vụ.

Tìm kiếm hợp tác với các Hiệp hội ngoài nước.

Tham gia vào các đề án xây dựng, hạ tầng, bất động sản lớn của TP. Hồ Chí Minh.

Hợp tác với chi hội VLXD Miền Trung Tây Nguyên và Hội VLXD Việt Nam để tham gia vào các dự án xây dựng tại miền Bắc và miền Trung.